Cần giải quyết lệch pha cung – cầu nhà ở

Trong 5 năm qua, thị trường bất động sản ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng, quy mô và chất lượng dự án; cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng mất cân đối cung – cầu về nhà ở, đặc biệt là tại các đô thị lớn trong cả nước vẫn còn tồn tại, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Thị trường bất động sản hiện rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội…

Rất thiếu nhà giá rẻ

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, thời gian qua, thị trường bất động sản có sự phát triển, tăng trưởng cả về quy mô, cơ cấu hàng hóa và doanh nghiệp. Hiện số vốn đăng ký và đang triển khai ở các dự án bất động sản khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, thu hút vốn FDI trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD, đóng góp khoảng 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế, tổng thu liên quan đến xây dựng và bất động sản khoảng 11% GDP.

Sự phát triển đa dạng các loại hình Bất động sản nghỉ dưỡng (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn (offcetel), shophouse đã mang đến một “luồng sinh khí” mới cho thị trường. Trong đó, ấn tượng nhất là condotel, đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho các tỉnh thành có vị trí địa lý và thiên nhiên ưu đãi như Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh,…

Công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị.

Riêng Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp hiện nay, cả nước đã hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5.210.000m2. Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 10.950.000m2 sàn (mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020)…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, Bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Câu chuyện mất cân đối cung – cầu đã được thể hiện rõ khi thị trường bất động sản không có mấy các dự án bình dân mở bán, có chăng cũng chỉ xuất hiện lẻ tẻ vài dự án tại một số đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20 – 30%, nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm và đang dư thừa khoảng 70 – 100 triệu m2 sàn. Đối lập, dự án nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 lại thiếu trầm trọng.

Các chuyên gia cũng chỉ ra từ năm 2019 đến nay, loại hình nhà giá rẻ đã biến mất khỏi thị trường, trong khi phân khúc cao cấp, hạng sang chiếm hơn 30% tổng sản phẩm chào bán…

Giải quyết bài toán lệch pha cung – cầu

Đề cập đến vấn đề thị trường bất động sản và sự lệch pha cung – cầu trong phát triển nhà ở, tại Hội nghị tổng kết công tác 5 năm 2016 – 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác 5 năm 2021 – 2025 và năm 2021 của ngành Xây dựng vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, công tác phát triển nhà chưa đạt mục tiêu đề ra, tình trạng khan hiếm nhà ở, phân khúc thị trường nhà ở cho công nhân cần được quan tâm vì nhu cầu rất lớn…

Để giải quyết bài toán lệch pha cung – cầu, Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, công trình sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại đô thị.

Bên cạnh đó, phát triển đa dạng các loại hình bất động sản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo đảm cân đối cung – cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn. Phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với cải tạo chỉnh trang các đô thị lớn thành các thành phố thông minh, hiện đại gắn kết với việc phát triển các đô thị vệ tinh để lan toả sự phát triển và phân bố lại cung – cầu bất động sản.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, công trình sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại đô thị.

Bộ sẽ kiểm tra tình hình thực hiện dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi…

Đồng thời, Nhà nước chủ động kiểm soát, điều tiết và định hướng sự phát triển ổn định thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng thị trường ngầm, phát triển tự phát và đầu cơ bất động sản …

Theo https://cafeland.vn/

Các tin tức khác