Tránh sập bẫy lừa đảo khi mua nhà đất huyện Hóc Môn

Với giá nhà đất rẻ hơn các khu vực lân cận, hạ tầng giao thông thuận lợi, được định hướng quy hoạch thành quận trong thời gian tới, lại nằm trong vùng quy hoạch phát triển khu vực Tây Bắc TP.HCM, nên nhà đất huyện Hóc Môn có nhiều tiềm năng để phát triển.

Lợi thế giúp nhà đất huyện Hóc Môn phát triển

Về vị trí, Hóc Môn được xem là cửa ngõ quan trọng phía Tây Bắc TP.HCM. Phía Đông huyện Hóc Môn giáp thành phố Thuận An (Bình Dương), phía Tây giáp với huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Đức Hòa (Long An), phía Nam giáp với quận 12, phía Bắc giáp với huyện Củ Chi.

Những khu vực tiếp giáp này đều có sự phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư, tạo điều kiện cho Hóc Môn phát triển. Đặc biệt là khu vực Đức Hòa, Long An đang phát triển nhanh chóng với sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị và dân cư đã khiến giá cả nhà đất liên tục tăng mạnh.

Hóc Môn gồm 1 thị trấn và 11 xã. Đó là Thị trấn Hóc Môn và xã Bà Điểm, Đông Thạnh, Nhị Bình, Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, Tân Xuân, Thới Tam Thôn, Trung Chánh, Xuân Thới Đông, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng. Theo quy hoạch đến năm 2020, Hóc Môn có diện tích tự nhiên hơn 10.943ha, trong đó có 1.200ha đất nông nghiệp, còn lại là đất phi nông nghiệp.

Về hạ tầng giao thông, huyện Hóc Môn có hệ thống đường quốc lộ, đường vành đai, tỉnh lộ, hương lộ khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, khu vực này thế mạnh về giao thông đường thủy với hệ thống sông, kênh, rạch nhiều.

Toàn huyện có 315 tuyến đường với tổng chiều dài 320km, dự kiến sẽ xây dựng mới một số cảng sông nhỏ tại cầu An Hạ, cầu Lớn và một số bến sông khách trên tuyến vành đai đường thủy TP để phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa, giao thông hành khách.

Huyện Hóc Môn cũng có hơn 2.800 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 700km. Trong đó có các tuyến đường chính như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Đặng Thúc Vịnh, Nguyễn Văn Bứa, Dương Công Khi, Nguyễn Ảnh Thủ…

Hiện nay huyện Hóc Môn đạt 29/30 tiêu chí trở thành quận với 6/12 xã, thị trấn có tốc độ đô thị hoá nhanh. Theo lãnh đạo huyện Hóc Môn, dự kiến trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng mới một số tuyến đường như Vành Đai 3, song hành Phan Văn Hớn, Vòng cung Tây Bắc, cao tốc Mộc Bài – Tây Ninh…

Tình hình nhà đất huyện Hóc Môn

Hiện tại, giá nhà đất huyện Hóc Môn có tăng nhanh so với trước nhưng vẫn nằm ở mức rẻ so với các quận, huyện lân cận. Theo khảo sát của Mogi trong tháng 10, giá trung bình nhà mặt tiền, phố khu vực này khoảng 23,3 triệu đồng/m2; giá căn hộ chung cư khoảng 9,2 triệu đồng/m2; giá nhà đất tại các hẻm, ngõ khoảng 24,9 triệu đồng/m2 và giá đất nền khoảng 12,1 triệu đồng/m2.

Với mức giá như vậy, nhà đất huyện Hóc Môn được coi là thị trường tốt cho nhà đầu tư muốn lướt sóng hoặc mua ở lâu dài. Thực tế, nhu cầu mua bán nhà đất khu vực này khá cao. Người mua đa số là những người ngoại tỉnh muốn có căn nhà để ổn định cuộc sống. Họ muốn mua nhà phố hoặc đất nền nhất là mua đất nền dự án để xây nhà vì các dự án được đầu tư hạ tầng tốt hơn.

Hình thức đầu tư nhà nát sau đó sửa chữa bán lại cũng là mô hình mà nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, khi đầu tư theo mô hình này, người mua cần có kinh nghiệm định giá cũng như tính toán kỹ chi phí sửa chữa để có lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đầu tư vào loại hình nhà có sẵn, mua đi bán lại để hưởng phần chênh.

Tránh sập bẫy lừa đảo khi đầu tư nhà đất huyện Hóc Môn

Trong cơn sốt đất ở các huyện vùng ven, không ít người lợi dụng tình hình đó để trục lợi. Thực tế trên địa bàn huyện Hóc Môn, đã có không ít tình trạng đầu nậu, cò đất thôn tính các khu đất nông nghiệp để phân lô bán nền, tự ý vẽ ra các dự án “ma”, rồi rao bán, khiến người mua “sập bẫy” rơi vào tình trạng tiền mất tật mang khi đầu tư.

Hay nhiều trường hợp mua bán nhà “3 chung”: chung giấy phép xây dựng – chung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – chung số nhà, bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng. Việc mua bán được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người, chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.

Thậm chí, có một số trường hợp chủ sở hữu tài sản vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi đã thế chấp tài sản ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác bằng giấy tay dẫn đến phát sinh tranh chấp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc và gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân.

Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện Hóc Môn cũng đã nhiều lần ra thông báo cảnh báo, khuyến cáo người dân không mua đất nền dự án “ma”, nên khi đầu tư vào thị trường này người mua cần cảnh giác.

Người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin về khu đất cần mua, nhất là về tính pháp lý. Bạn có thể yêu cầu chủ miếng đất cho kiểm tra sổ đỏ, xem xét tất cả thông tin trong sổ đỏ, đặc biệt là diện tích miếng đất trong sổ đỏ so với diện tích thực tế,… tìm hiểu thông tin quy hoạch liên quan đến mảnh đất.

Theo UBND huyện Hóc Môn, người dân có nhu cầu giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính về bất động sản trên địa bàn huyện cần liên hệ UBND xã – thị trấn nơi có bất động sản cần giao dịch hoặc UBND huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện) để tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện đúng quy định của pháp luật tránh tình trạng bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp về sau.

Theo https://cafeland.vn/

Các tin tức khác