Động thái mới của giới đầu tư địa ốc
Dù dịch bệnh khó đoán định nhưng nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn giữ tâm lý lạc quan vào thị trường BĐS trong trung và dài hạn.
Tâm lý chờ giá xuống để gom hàng
Đây được xem là động thái của một bộ phận NĐT trước bối cảnh thị trường BĐS đang biến động vì dịch Covid-19. Một số NĐT có dòng tài chính tốt vẫn cố nghe ngóng và chờ đợi BĐS giảm giá để mua vào.
Thế nhưng, dù đang trải qua các biến cố của 2 đợt dịch Covid-19, thị trường BĐS chưa có dấu hiệu giảm giá trên diện rộng ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Tuy nhiên, do thị trường đang chịu nhiều tác động từ dịch Covid – 19, một số phân khúc BĐS gặp khó khăn, có không ít nhà đầu tư BĐS gặp áp lực về dòng tiền cần phải bán tài sản trên thị trường thứ cấp dẫn đến một số loại BĐS đang có xu hướng giảm giá, đơn cử như loại hình chung cư cao cấp cho thuê.
Chính điều này đã tạo ra một xu hướng là bộ phận NĐT trên thị trường vẫn chưa chịu “xuống tiền” mà tiếp tục chờ giá giảm thêm, hoặc giảm sâu ở một vài phân khúc để vào “bắt đáy”.
Hầu hết những NĐT cố chờ giảm giá để gom hàng là NĐT đã có kinh nghiệm khá lâu về đầu tư BĐS, tham gia thị trường ở nhiều phân khúc khác nhau. Riêng đối với những NĐT mới vào thị trường, dòng vốn khiêm tốn thì việc gom hàng là khó nhưng vẫn có động thái “do dự”, chờ thêm để được hưởng giá tốt từ CĐT hoặc mua được hàng cắt lỗ của NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính với các sản phẩm đã mua trước đó.
Nhiều NĐT vẫn cố đợi giá giảm sâu để gom hàng, mặc dù dự báo giá BĐS khó giảm
Theo một NĐT sống tại Q.9, nếu đợt dịch lần 1 đã có một số NĐT cá nhân cần tiền gấp và bán ra BĐS với giá tốt, NĐT khác có dòng vốn tốt đã mua những sản phẩm này và chờ thị trường tốt lên. Rất có thể với đợt tái bùng phát dịch lần 2 sẽ có nhiều sản phẩm cắt lỗ ra thị trường hơn do quá sức chịu đựng tài chính của một số NĐT cá nhân. Vì thế, nhiều NĐT vẫn chờ đợi thêm để có thể mua được những sản phẩm dạng này.
Theo số liệu báo cáo từ Bộ xây dựng mới đây, bất chấp dịch bệnh, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và Tp.HCM tăng lần lượt là 0,16% và 0,25% so với quý trước và so với cùng kì năm ngoái, không có tình trạng giảm giá trên thị trường sơ cấp. Với thị trường thứ cấp, động thái giảm giá diện rộng cũng chưa diễn ra ở thời điểm này, mà chỉ chiếm số ít.javascript:void(0)
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý trước. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,01%. Trong khi đó, tại Tp.HCM, giá căn hộ chung cư có mức tăng khoảng 0,25% còn nhà riêng lẻ có mức tăng khoảng 0,15%.
Xác định bài toán đầu tư trung và dài hạn
Hầu hết các NĐT khi được hỏi đều “lắc đầu” khi cho rằng lướt sóng BĐS ở thời điểm này là “thua”. Vào thị trường lúc biến động, đa số NĐT có kinh nghiệm đều xác định phải bỏ tiền trong trung – dài hạn.
Trước đó, dành lời khuyên cho người mua, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cũng cho hay, với NĐT có rất nhiều sự lựa chọn trong trong bối cảnh thị trường biến động và nên có quan điểm, chiến lược đầu tư mang tính chất trung và dài hạn. Nên lựa chọn sản phẩm chất lượng của những nhà phát triển có uy tín, có bề dày kinh nghiệm, có sản phẩm đối chứng,… Về chiến thuật, thì nên đầu tư ở các thị trường có nhiều lợi thế phát triển ổn định. Tránh tình trạng đầu tư vào các loại hình sản phẩm giá rẻ, không an toàn, thiếu tính bền vững.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cho rằng, hiện NĐT rất khó lướt sóng BĐS mà nên đầu tư với tầm nhìn trung hạn (2-3 năm) hoặc dài hạn thì lợi nhuận mới ổn. Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính thì vẫn tốt nhưng nên xác định dài hạn và xem đó là một tài sản tích lũy. Còn nếu NĐT lướt sóng mà sử dụng đòn bẩy tài chính thì không nên ở thời điểm này.
“Quan điểm của tôi là BĐS qua năm mới ổn trở lại. Tôi vẫn lạc quan vào sự phát triển của thị trường BĐS vì đây là ngành nghề chủ lực của nền kinh tế. Theo đó, chính phủ sẽ điều hành để nền kinh tế duy trì và ổn định thị trường BĐS. Dịch đợt 1 thị trường BĐS phục hồi nhanh, loạt dự án bung thị trường và hấp thụ khá tốt thì đợt 2 này cũng chỉ cần kiểm soát được mức độ lây lan trong cộng đồng thì khả năng phục hồi của thị trường BĐS là khá lớn, dĩ nhiên sẽ không có hiện tượng nóng sốt BĐS như trước đây”, ông Hậu chia sẻ.
Dành lời khuyên cho NĐT, CEO Asian Holding cho rằng, với lãi suất ngân hàng đang thấp như hiện nay thì bỏ tiền tiết kiệm sẽ không hấp dẫn. Còn nếu bỏ tiền vào BĐS ở Sài Gòn hay tỉnh lân cận tùy thuộc vào sở thích đầu tư của NĐT. “Theo tôi, nên chọn các thị trường mới nổi, giá BĐS còn mềm chứ các khu vực mặt bằng giá đã cao thì biên độ lợi nhuận cũng như thanh khoản sẽ không cao. Bên cạnh đó, với bối cảnh hiện nay, người mua nên xem kỹ càng yếu tố pháp lý để quyết định xuống tiền”, ông Hậu cho lời khuyên.
Theo https://cafef.vn/